Caritas Hà Tĩnh: Miền Trung với Hệ Luỵ Mua Bán Người

  • Thứ năm, 11:07 Ngày 17/09/2020
  • Miền Trung đòn gánh hai đầu
    Còng lưng oằn chịu giãi dầu bao phen
    Miền Trung sỏi đá khô cằn
    Đồng chua, biển mặn gian nan đủ bề.


    Trải dài từ 10o33’ đến 20o40’độ vĩ bắc, với hơn 1.500 km đường bộ theo quốc lộ 1A dọc theo dải đất hình chữ S từ Bình Thuận đến Thanh Hóa, một dải đất đầy nắng và gió, đầy khói lửa của những năm tháng chiến tranh. Là dải đất mà người ta thường nói là nơi “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”, một miền quê luôn phải hứng chịu nhiều nặng nề về Thiên tai và cả Nhân tai. Từ bao đời nay, dải đất miền trung này vẫn luôn rất đáng thương dưới con mắt người Việt Nam nói riêng và của cả cộng đồng quốc tế nói chung, nhất là đối với những ai đã từng biết đến, đã từng đi qua, đã từng sống và chứng kiến về điều kiện tự nhiên cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. 

    Thức Tỉnh

    Ở đây, địa hình vô cùng phức tạp, bị chia cắt nhiều bời rừng núi và sông suối hiểm trở. Đặc biệt là dải đất này phải chịu ảnh hưởng rõ nét của khí hậu nhiệt đới gió mùa đầy khắc nghiệt, khi thì nắng nóng cháy da gió lào rát mặt, hạn hán cháy khô, khi thì mưa sa bão táp lũ lụt ngập chìm, heo may buốt giá. Hàng năm mảnh đất Miền Trung phải gánh chịu ít nhất từ 5 đến 6 trận mưa bão, lũ lụt, có những trận mưa bão, lũ lụt hết sức kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề cả người và của. Cuộc sống của người dân chủ yếu là làm nông nghiệp hay nghề biển. Nhưng với một điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt, ruộng đồng ít ỏi, đất đai khô cằn, lại rất khó để chủ động nguồn nước tưới, tiêu nên điều kiện kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn, cái nghèo, cái đói luôn bao quanh. Con người Miền Trung cũng vì thế mà phải chịu thiệt thòi, vất vả, khổ sở,  không có điều kiện để học hành, để vươn xa, không có điều kiện để tiếp cận với những văn minh, hiện đại. Quanh năm suốt tháng chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, trèo non lội suối nơi rừng sâu nước độc hay lênh đênh trên sóng biển để kiếm sống.

    Mảnh đất Miền Trung này vốn đã nghèo, đã khổ lại càng khốn đốn hơn khi sự cố môi trường biển xảy ra vào đầu tháng tư năm 2016. Đây quá là một thảm họa khôn lường đến với người dân, đặc biệt là những người sống về biển, làm nghề biển. Cá tôm chết, môi trường ô nhiễm. Hàng trăm nghìn lao động từ đó đến nay không có việc làm, không có thu nhập, hàng nghìn hộ gia đình vay vốn đầu tư kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, đầu tư thuyền lưới giờ trở thành những con nợ ngân hàng không có đường lui tới. Hằng trăm em nhỏ vì thế mà không được đến trường, không được học hành do không có tiền nộp học, không có tiền trang trải trong cuộc sống. 

    Còn những vùng miền núi thì luôn phải hứng chịu thiên tai, lũ lụt, hạn hán và cái quy trình xả lũ vô trách nhiệm của những người làm quản lý ở các đập thủy điện, các hồ trữ nước. Khó khăn luôn chồng chất khó khăn, lại thêm nhu cầu sống và sự đua đòi của lớp trẻ, sự vô cảm của thế lực của đồng tiền, sự lôi kéo, rủ rê, lợi dụng của kẻ xấu để trở thành những miếng mồi ngon cho những kẻ buôn người dễ thực hiện những ý đồ đen tối.

    Cuộc sống thiếu thốn, điều kiện khó khăn dẫn đến trình độ dân trí thấp, thiếu công ăn việc làm, thiếu hiểu biết nên rất dễ cả tin. Đây chính là nơi mà những kẻ buôn người đã và đang dễ dàng thực hiện những chiêu trò gạ gẫm, lừa lọc, lôi kéo, lợi dụng để thực hiện những ý đồ đen tối, và đã có không ít nạn nhân đang bạt vô âm tính không biết sống chết ra sao, hoặc đang sống dở, chết dở ngắc ngoải nơi đất khách quê người. Tưởng qua vất vả bần hàn, nào ngờ chịu cảnh lầm than tội tình.

    Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, nạn buôn người đang trở thành một vấn đề hết sức nhức nhối, là một vấn nạn nguy hiểm, một nỗi lo sợ, hoang mang cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đây là đối tượng bị buôn bán để làm mại dâm, bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ, hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại, vô nhân đạo khác. Hơn thế nữa,với nhu cầu rất lớn của những bệnh nhân cần ghép tạng, buôn bán người không chỉ phục vụ nhu cầu lao động và tình dục mà những bộ phận trong cơ thể của con người cũng trở thành món hàng đắt đỏ. Bằng những lời quảng cáo hấp dẫn đánh vào tâm lý người nghèo, thiếu hiểu biết, những kẻ buôn bán đã lừa mua nội tạng người với giá rẻ bèo và bán lại với giá cắt cổ. Không chỉ dừng lại ở việc mua bán trái phép, những tổ chức tội phạm còn có cả những đường dây bắt cóc, buôn bán người, thậm chí lập ra cả những trại nuôi người lấy nội tạng.

    Với các thị trường béo bở như Malaixia, Thái Land, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nơi có số dân trên 1,3 tỷ người với rất nhiều nhu cầu đang thiếu thốn, nhất là việc mất cân bằng giới tính nên đặc biệt thiếu phụ nữ.

    Ở Trung Quốc, những nạn nhân của vấn nạn buôn người chủ yếu là phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục, bị bán vào các động quỷ, bị ép làm vợ cho cả gia đình, có khi từ 4 đến 6 người đàn ông với nhiều thế hệ. Cuộc sống của các nạn nhân ở đây không khác loài súc vật là bao, họ bị đầy đọa về thể chất lẫn tinh thần, có người bị coi như là nô lệ tình dục. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn là một thị trường với nhu cầu ghép tạng rất lớn nên những nạn nhân của những kẻ buôn người đã phải chịu cuộc sống tàn phế, hoặc phải chết vì mất tạng, mất các phần của cơ thể do việc buôn bán nội tạng của những kẻ buôn người. Còn ở các nước khác thì các nạn nhân của vấn nạn buôn người chủ yếu bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp nhân phẩm, bắt làm gái mại dâm, làm thú vui cho những kẻ vô nhân tính.

    Ở nước Anh, đa phần đi theo đường Tiểu ngạch, chui lủi mặc dù với số chi phí rất cao, có khi lên hàng tỷ đồng. Thế nhưng không ít người phải “Tiền mất, tật mang” nhiều người phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. Còn sang được bên đó lại phải sống kiếp ngự trâu, vất vả, khổ sở ở các trại trồng Cần Sa bất hợp pháp, các quán Bas, nhà thổ bị đánh đập, bị bắt làm nô lệ và rất nhiều hệ lụy khác.

    Tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 13.000 nạn nhân của Việt Nam là phụ nữ và trẻ em đang chịu cảnh lầm than cơ cực, chịu cuộc sống địa ngục trần gian, bị chôn vùi tuổi xuân từ vấn nạn buôn người vô nhân đạo. Trong số đó có không ít người là con cái của vùng đất Miền Trung thuộc giáo phận Vinh, giáo phận Hà Tĩnh. Họ đã bị dụ dỗ qua các chiêu trò như gả chồng ngoại quốc, lao động nước ngoài, nhận con nuôi, bị đánh thuốc mê bắt cóc, hay di cư bất hợp pháp theo kiểu bảo lãnh.

    Hơn thế nữa, mua bán người không chỉ xảy ra với phụ nữ, trẻ em mà đã xảy ra ở nam giới, trẻ sơ sinh và luôn cả bào thai. Hoạt động của bọn buôn người cũng ngày càng tinh vi với nhiều hình thức tử đẻ thuê, cưỡng bức lao động, hôn nhân bất hợp pháp.

    Những hệ lụy do nạn buôn bán người gây ra cực kì nghiêm trọng và nặng nề. Nạn nhân của nạn buôn bán người phải hứng chịu nhiều đau đớn về tinh thần và cả thể xác, một xã hội với nhiều người bị lừa bán luôn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đe dọa đến vấn đề an toàn, an ninh, trật tự xã hội. 

    Sau khi xảy ra vụ 39 người chết thảm trong Container ở nước Anh đã rống lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho bao người có tham vọng hảo huyền, nhẹ dạ cả tin và những lầm tưởng với viễn cảnh việc nhẹ lương cao nơi xứ người.

    Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền cùng một số tổ chức Phi chính phủ như Hội Đồng Anh Việt Nam, Ban Bác Ái xã hội-Caritas Việt Nam đã có những chương trình hành động thiết thực để can thiệp ngăn chặn nạn mua bán người ở Việt Nam.

    Trong thời gian qua tại Hà Tĩnh, chính quyền đã vào cuộc bắt giữ và xét xử 7 bị cáo được xác định liên quan đến việc đưa hàng chục người sang Anh trái phép. 

    Bên cạnh đó, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng đã có những chương trình truyền thông về phòng chống mua ban người. Đặc biệt vở kịch truyền thông “Thức Tỉnh” do thành viên của Tiểu ban Phòng chống Mua Bán Người thuộc Caritas giáo phận Hà Tĩnh sáng tác được Đội Nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh đi biểu diễn tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh, thu hút hàng chục nghìn người xem, được đánh giá sâu sắc, ý nghĩa và lan tỏa. Cùng với đó, Ban Caritas giáo phận Hà Tĩnh cũng đã có chương trình phối hợp phát tờ rơi tại buổi biểu diễn, nhưng do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid nên các chương trình truyền thông phải gián đoạn. 

    Để không trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, trước hết mọi người mọi nhà cần đề cao cảnh giác với những lời mời mọc, rủ rê như: vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi sáng, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp mà không đòi hỏi yêu cầu trao đổi; dè chừng với những đối tượng không rõ lai lịch, xác minh. Với những gia đình có con em là phụ nữ, cần giáo dục các em tránh xa điều xấu xa, hướng các em theo lối sống lành mạnh, từ bỏ lối suy nghĩ: muốn giàu có phải bỏ quê đi làm ăn xa hay cưới chồng ngoại quốc.

    Trước viễn cảnh nạn buôn bán người đang ngày càng tăng, nhất là các tỉnh Miền Trung, nơi điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống thiếu thốn, dân trí thấp, đặc biệt là sau thảm họa môi trường biển, với hàng nghìn lao động không có việc làm. Chúng tôi tha thiết kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ cùng đồng hành cùng chung tay giúp sức để thực hiện chương trình Truyền thông, nâng cao hiểu biết cho người dân. Tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho cho người dân, hỗ trợ thiết bị phục vụ nghề, hỗ trợ con giống, cây giống cho người nông dân, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để người dân có việc làm, có thu nhập, có nhận thức vì một tương lai tươi sáng.

    Đa minh Nguyễn Tiến Khởi
    Caritas Hà Tĩnh


     

    Bài viết liên quan