Các chuyên gia và lãnh đạo toàn cầu tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Vatican

  • Thứ bảy, 07:22 Ngày 18/05/2024
  •  

    Hội nghị thượng đỉnh Vatican "Từ khủng hoảng khí hậu đến khả năng phục hồi khí hậu" (AFP hoặc người cấp phép)

    Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo khu vực và địa phương, cùng các chuyên gia đến từ các trường đại học trên khắp thế giới gặp nhau tại Vatican để tham dự Hội nghị thượng đỉnh mang tên “Từ khủng hoảng khí hậu đến khả năng phục hồi khí hậu”, do Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Giáo hoàng tổ chức.

    Tác giả: Thaddeus Jones

    Các chuyên gia và các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Vatican nhằm xem xét cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến hành tinh, trọng tâm đặc biệt là đường hướng quản lý và giải quyết cuộc khủng hoảng này cách hiệu quả. Hội nghị Thượng đỉnh, do Học viện Khoa học Giáo hoàng  và Học viện Khoa học Xã hội Giáo hoàng tại Vatican tổ chức, kéo dài ba ngày với chủ đề “Từ khủng hoảng khí hậu đến khả năng phục hồi khí hậu”.

    Chia sẻ ý tưởng và giải pháp

    Hội nghị từ ngày 15 đến 17 tháng 5 quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu cùng với các thị trưởng thành phố và lãnh đạo chính quyền khu vực có liên quan nhằm giải quyết các tác động của khủng hoảng khí hậu. Họ đến từ Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi. Các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học trên thế giới cũng tham dự. Toàn thể hội nghị cùng đóng góp những bài thuyết trình liên quan tại các phiên họp diễn ra tại Thành phố Vatican.

    Cổ võ khả năng phục hồi khí hậu

    Các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh nhận thức mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt và mức độ này sẽ ngày càng trầm trọng trong vài thập kỷ tới khi hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt qua ngưỡng nguy hiểm 1,5°C vào đầu những năm 2030. Trong khi dự kiến mức tăng sẽ đạt đỉnh điểm vào nửa sau thế kỷ này với những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm bớt việc sử dụng các chất gây ô nhiễm giữ nhiệt, thì các lĩnh vực khác cần phải được xử lý khẩn cấp để có 'khả năng phục hồi khí hậu'. Nhận thức này xem xét đường hướng nhân loại có thể quản lý, thích ứng và tồn tại trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu vì một thế giới an toàn hơn, lành mạnh hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.

    Hành động, sự thích ứng, cách quản lý

    Học viện Khoa học Giáo hoàng tại Vatican, học viện quốc tế duy nhất trên thế giới, với sứ mệnh “tôn vinh khoa học thuần túy tại bất kỳ khu vực nào, đảm bảo quyền tự do và khuyến khích nghiên cứu vì sự tiến bộ của khoa học”. Vào năm 2022, Học viện khởi động sáng kiến mới về Khả năng phục hồi khí hậu, tập hợp các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm hiểu rõ hơn về những thách thức khoa học và xã hội của biến đổi khí hậu, đồng thời đề xuất các giải pháp phục hồi cho con người và hệ sinh thái. Khái niệm về phục hồi khí hậu là điểm cốt lõi trong các cuộc thảo luận cấp cao kéo dài ba ngày nhằm thực hiện chiến lược ba điểm: nỗ lực giảm thiểu rủi ro khí hậu; chiến lược thích ứng nhằm ứng phó với những rủi ro không thể tránh được; và sự chuyển đổi xã hội nhằm cổ võ đường hướng giảm thiểu và thích ứng đang diễn ra.

    Làm việc trong tinh thần liên đới

    Các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh sẽ chú trọng vào các thách thức môi trường liên quan như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và bất bình đẳng toàn cầu, đồng thời thảo luận và đề xuất các giải pháp cũng như đường hướng tiếp cận nhằm quản lý và giảm thiểu tác động của các thực tiễn này. Các nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhận thức điều này cần có đường hướng tiếp cận đa ngành và sự hợp tác gồm các nhà nghiên cứu, kỹ sư, doanh nhân, chuyên gia khoa học, các nhà lãnh đạo cộng đồng và tín ngưỡng, các tổ chức phi chính phủ và công chúng rộng rãi hơn.

    Áp dụng Nghị định thư về khả năng phục hồi khí hậu của hành tinh

    Với tất cả nỗ lực, Hội nghị thượng đỉnh sẽ kết thúc với nghị định thư về Khả năng phục hồi khí hậu của hành tinh được tất cả các thành viên tham gia ký kết. Giống như Nghị định thư Montreal, tài liệu này sẽ cung cấp các hướng dẫn và hành động nhằm phục hồi khí hậu. Nghị định thư sau đó sẽ được đệ trình lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm chia sẻ với các quốc gia trên toàn cầu.

    Tôn trọng phẩm giá sự sống con người

    Trong Tông huấn Laudate Deum , Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh những mối nguy hiểm mà thế giới phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ảnh hưởng đến những con người dễ bị tổn thương nhất, cũng như nhu cầu cấp thiết phải cùng nhau xử lý cuộc khủng hoảng này.

    “Đây là một vấn đề xã hội toàn cầu và có liên quan mật thiết đến phẩm giá sự sống con người. Các Giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ cụ thể ý nghĩa xã hội về mối quan ngại của chúng ta đối với biến đổi khí hậu, vượt xa cách tiếp cận sinh thái đơn thuần, bởi vì ‘sự dấn thân của chúng ta dành cho nhau và sự suy tư của chúng ta với trái đất thì gắn bó mật thiết với nhau’”.

    Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2024-05/global-experts-and-leaders-convene-for-vatican-climate-summit.html

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

     

    Bài viết liên quan