Câu chuyện của những người phụ nữ vô gia cư

  • Thứ ba, 15:42 Ngày 02/04/2024
  • Khi chúng ta nói về người vô gia cư, thì nam giới thường được nhắc đến. Điều này là đúng vì nhiều cuộc khảo sát thống kê xác định người phụ nữ, sống lanh thang ngoài đường phố hoặc trong những điều kiện khốn cùng thì ít hơn so với nam giới. Tuy nhiên, đúng là có một sự phản kháng – cho dù điều này còn khiêm tốn, đáng tiếc, thờ ơ, hoặc cả ba điều này và thậm chí hơn thế nữa – trong việc giải quyết một vấn đề phức tạp như việc phụ nữ bị gạt ra bên lề xã hội. Điều này làm cho phụ nữ càng trở nên vô hình hơn những người vốn đã vô hình, bị loại trừ nhiều hơn trong số những người bị loại trừ.

    Tuy nhiên, chính những người nữ đã phải trả giá cao nhất bởi một xã hội loại trừ là không khoan dung với những người khác biệt hoặc không đồng dạng với những kỳ vọng chung nhất của xã hội. Tại sao nghèo khó lại có nghĩa là bạn không thể trở thành một người mẹ tốt? Tại sao lại lấy đi con cái của họ trong khi sự ứng phó cần thiết nên là sự hỗ trợ và giúp đỡ họ nhận thức đầy đủ vai trò của cha mẹ? Tại sao lại nhấn mạnh sự kỳ thị, làm tăng thêm cảm giác tội lỗi vốn đã hiện hữu?

    Trong tháng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi cảm nhận sự cấp bách phải dành số báo này cho họ, cho những phụ nữ không có mái ấm gia đình ổn định. Và chúng tôi đã làm theo cách này: qua sự lắng nghe tiếng nói của họ và cung cấp bài viết cho câu chuyện của họ. Những câu chuyện chia sẻ về những tổn thương sâu xa và những khoảng cách không thể hàn gắn - nơi không khó để nhận ra trách nhiệm của nam giới, những người đã phản bội tình yêu thương với người nữ, con gái, vợ, bạn đời và bạn bè - nhưng cũng nói về sự can đảm và lòng tốt, sự rộng lượng và sự tha thứ.

    Magda: Một, hàng trăm mạng sống được bọc trong chiếc áo len màu tím - Magda đã từng là một kẻ buôn lậu, một người lao động, một nhân viên chăm sóc y tế, một nghệ sĩ. Cô đã viết những bài thơ đăng trong những tuyển tập nhỏ, cô đã nắm tay những người bệnh mà cô yêu thương, chăm sóc họ đến cùng như thể họ là người thân trong gia đình, cô đã vẽ lên những bức tường của năm trường mẫu giáo, cô đã bỏ những con ốc vào trong dầu ô liu để làm thuốc chữa lành qua các công thức cổ xưa - nhưng không cần phải rửa vỏ ngoài.

    Magda chia sẻ rất nhiều, nhưng chậm rãi, từ câu này sang câu khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác của cuộc đời mình, cô ấy chuyển chủ đề câu chuyện như thể đang lật từng trang tiểu sử của mình, với lý trí và sáng suốt và rồi đột nhiên, làm say mê, lôi cuốn. Như đã xảy ra trong cuộc sống, cuộc đời của cô ấy được đánh dấu qua sự trộn lẫn những điều đã chọn và những điều đã xảy ra, mặc dù cô ấy đã ở một độ tuổi, hoặc có lẽ chỉ là qua sự từng trải, trong đó sự khác biệt không còn quan trọng nữa.

    Carola: Những vết thương không lành - Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, các anh trai tôi chăm lo cho gia đình vì bố tôi đã bỏ đi. Lúc 8 tuổi, một trong số các anh trai bắt đầu hành hung tôi. Tôi hoảng sợ và đầy giận dữ với mẹ, người dù biết hết mọi chuyện nhưng đã không bảo vệ tôi, năm 12 tuổi, tôi quyết định bỏ trốn. Từ đó tôi bắt đầu cuộc sống lang thang khi còn rất trẻ. Tại nơi trú ẩn cuối cùng, tôi gặp Marco, cũng là người khách trọ sau nhiều năm sống lang thang vô gia cư. Giữa chúng tôi, câu chuyện tình yêu nảy nở, đỉnh điểm là hôn nhân. Marco là một người đàn ông tốt và thực sự yêu tôi. Cuộc đời tôi trải qua muôn vàn khó khăn, với những thương tổn nặng nề, những vết thương không bao giờ được lành lặn... Ngày hôm nay, tôi cầu xin Chúa cho Marco ở bên tôi cho đến hơi thở cuối cùng.

    Anna: Ngủ với đôi mắt mở - Tôi trở lại Ý sau nhiều năm. Năm giờ sáng, tôi đến ga. Không có ai ở đó để gặp tôi. Tôi đã gặp S., D., A., C., những người luôn đồng hành cùng tôi. Vào thời điểm đó, tôi không thể tưởng tượng được rằng chúng tôi sẽ sớm trở thành bạn bè và nhà ga sẽ là nhà của tôi trong bốn đến năm năm tới. Chúng tôi ngủ trong những toa tàu bị bỏ quên. Cứ như thế, tôi sống ở nơi ga tàu dừng. Nếu bạn ở một mình, bạn không thể nhắm mắt ngủ được. Bạn phải đề phòng bạn bè, những người bạn không quen biết và cảnh sát có thể đến bất ngờ. Buổi sáng là thời điểm tồi tệ nhất. Bạn cảm thấy sốt và đau bụng. Bạn đau đớn và bạn đổ mồ hôi lạnh. Bạn hút thuốc khi suy tính cách đạt được thứ mình muốn. Mong muốn của bạn rất rõ ràng, nhưng bạn cần tiền. Bạn phải kiếm tiền.

    Gabriela: Mùi hương của Mẹ tôi - Tôi sẽ không bao giờ thay đổi con người thật của mình vì đây chính là con người tôi. Tôi hiểu rằng việc sắp xếp mang đến sự yên tâm, bởi việc tách mình ra khỏi những khác biệt, chúng không đại diện cho chúng ta. Nhưng đó chính xác là vấn đề: chúng ta thường không biết gì cả nên chúng ta sợ hãi. Và thế là bạn sợ hãi. Bạn thậm chí còn sợ chúng tôi, những người được sinh ra trong cơ thể nam giới nhưng lại cảm thấy mình như là nữ giới... Hãy tưởng tượng một ngôi làng ở Amazonia, cách Peru bốn giờ và cách Bolivia một giờ, chỉ có vài trăm cư dân và con trai của Thiago ăn mặc như nữ giới. Hãy hình dung khu rừng, những chú chim tucan với chiếc mỏ dài màu cam, ánh sáng và một chú chim ruồi xinh đẹp đang bay lơ lửng trên không trung với tốc độ 80 nhịp đập cánh mỗi giây; những cây guarana, những bông lan quý đầy màu sắc... và rồi loài hoa lưỡng tính kỳ lạ này chuyển động khắp làng. Bao nhiêu lời thì thầm, bao nhiêu ánh mắt.

    Rosa: Người nữ và đàn chim bồ câu — Tiếng chuông của nhà thờ Thánh Phêrô vẫn vang vọng trong không gian khi tôi bước một mình dọc theo hàng cột, và ngồi trên bậc thềm, tôi nhận thấy một quý bà... Bà là một người nữ dáng vẻ oai nghiêm như cột trụ Bernini, nhưng với khuôn mặt dịu dàng của thiên thần và đôi mắt to dường như thu hết bầu trời mùa xuân trong xanh. Xung quanh bà là đàn chim bồ câu nhỏ đang mổ giữa những hòn đá cuội, trong khi bà tung những gì còn lại của bữa trưa của mình lên không trung. Thỉnh thoảng, một trong số chúng bay lên, đậu trên cánh tay bà như thể đó là một cành cây có đôi mắt xanh... “Bà là người mới đến đây”, tôi nói. "Mười lăm năm". Mười lăm năm? Có lẽ tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà trước đây? “Và bà luôn ở đây à?”. "Đúng". “Luôn luôn với đàn chim bồ câu?”, “Đúng”, Rosa trả lời, luôn với nụ cười thơ trẻ không bao giờ tắt trên môi.

    Đường phố: Sự giận dữ không mong chờ - Sáng thứ Sáu hôm đó, bất kỳ ai đi ngang qua Phố Broadview, dù chỉ để chạy bộ hoặc dắt chó đi dạo, cũng sẽ vô cùng kinh hãi khi nghe thấy những tiếng la hét và chửi bới của “Đường phố”. Cô ấy nói chuyện với mọi người: người đi bộ, những người đến thăm sứ vụ của chúng tôi, tình nguyện viên và nhân viên. “Đường phố”, cái tên cô ấy thích được gọi, biết những vết thương lòng của bạo lực và sức mạnh đến từ đó. Trong tâm khảm, cô mang theo sự tủi thẹn không mong muốn và không thể tin rằng con người đôi khi có thể tử tế với nhau. “Đường phố” thể hiện những gì chúng ta có thể thấy hàng ngày trong cộng đồng của chúng ta ở Toronto: phụ nữ vô gia cư mang vết sẹo bạo lực sâu sắc hơn nam giới. Có lẽ vì họ mỏng manh hơn và với bạo lực họ ít có phản kháng hơn. Có lẽ vì họ phải chịu đựng nhiều bạo lực hơn nam giới và luôn không được bảo vệ. Có lẽ vì bạo lực đã cướp đi những gì họ đáng lẽ phải nhận được thông qua sự tự do. Nếu một người mẹ luôn cho đi một thứ gì đó, những người phụ nữ vô gia cư sẽ thấy mình hầu như không còn gì để cho vì bạo lực luôn tìm cách tước đi bất cứ thứ gì tốt đẹp trong tâm hồn họ.

    Ban biên tập L'Osservatore di Strada
    Nguồn: https://www.osservatoreromano.va/en/news/2024-03/ing-013/stories-of-homeless-women.html

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan