5 Cách Thúc Đẩy Việc Trao Quyền Kinh Tế Cho Người Nữ

  • Thứ hai, 16:11 Ngày 18/03/2024
  • Theo UN Women, với mức nỗ lực hiện tại, hơn 340 triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ vẫn sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ  ngày 8 tháng 3, qua sự nỗ lực đầu tư cho người nữ, chúng tôi xem xét những việc cần thực hiện nhằm cải thiện tình hình kinh tế cho người nữ trên toàn thế giới.

    Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết trong một tuyên bố nhân Ngày Quốc tế: “Chủ đề năm nay – đầu tư cho người nữ – nhắc nhở chúng ta rằng việc chấm dứt chế độ phụ hệ đòi hỏi phải có nguồn lực”.

    Ông nói: “Tất cả điều này phụ thuộc vào việc mở nguồn tài chính cho sự phát triển bền vững để các quốc gia có đủ nguồn lực đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái”, đồng thời kêu gọi hành động hỗ trợ các chương trình nhằm chấm dứt nạn bạo lực đối với người nữ và thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của họ trong các nền kinh tế, công nghệ kỹ thuật số, xây dựng hòa bình và hành động vì khí hậu.

    Hiện tại, thế giới cần thêm 360 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề bình đẳng giới theo Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững .

    Trong khi tăng cường việc chia sẻ tài sản và tài chính của người nữ là rất quan trọng nhằm trao quyền về kinh tế cho họ, thì điều quan trọng không kém là xây dựng các thể chế thúc đẩy đầu tư công vào hàng hóa xã hội và phát triển bền vững.

    Dưới đây là năm cách thức đảm bảo thúc đẩy việc trao quyền kinh tế cho người nữ:
    1. Tài nguyên: sự khởi động

    Kết nối phụ nữ với các nguồn tài chính có thể giúp họ đáp ứng các nhu cầu cơ bản và bắt đầu hoặc phát triển doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ cần nguồn đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD. Việc thu hẹp khoảng cách tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ sẽ giúp thu nhập hàng năm tăng trung bình 12% vào năm 2030.

    Ngoài ra, phụ nữ cần được tiếp cận với đất đai, thông tin, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên. Vào năm 2022, 2,7 tỷ người vẫn chưa có khả năng truy cập Internet, đây là điều cơ bản để tìm kiếm công việc làm hoặc bắt đầu kinh doanh.

    Mặc dù thực tế là hơn một phần ba số phụ nữ làm việc trong các ngành nông nghiệp, nhưng họ cũng ít có khả năng sở hữu hoặc có quyền đối với đất nông nghiệp ở 87% các quốc gia có dữ liệu.

    Khi phụ nữ có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sở hữu và sử dụng các nguồn lực, họ có thể đầu tư cho bản thân bằng cách cải thiện phúc lợi, giáo dục, khởi nghiệp hoặc có quyền quyết định với thu nhập của mình để xây dựng một xã hội phù hợp.

    Ví dụ, trong nhiều hoàn cảnh, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ làm giảm bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường sự tham gia và lãnh đạo về chính trị và xã hội, cũng như tạo điều kiện giảm thiểu rủi ro thiên tai.

    2. Mong muốn: Việc làm

    Khi phụ nữ thành đạt trong công việc, họ ở vị thế tốt hơn để thực hiện quyền tự quyết của mình và nhận ra các quyền của mình, nhưng không phải bất kỳ công việc nào cũng có thể làm được. Công việc cần phải hiệu quả và trong điều kiện tự do, công bằng, an ninh và nhân phẩm.

    Gần 60% việc làm của phụ nữ trên toàn cầu trong nền kinh tế phi chính thức và tại các nước thu nhập thấp, thì con số này là hơn 90%. Ngay cả khi phụ nữ có việc làm, họ được trả trung bình 80 xu cho mỗi đô la nam giới kiếm được và thậm chí còn ít hơn đối với một số người, bao gồm cả phụ nữ da màu và các bà mẹ.

    Chỉ riêng bất bình đẳng giới về thu nhập đã khiến thế giới phải trả giá cao hơn gấp đôi giá trị GDP toàn cầu xét về giá trị vốn con người.

    Các biện pháp như sự minh bạch trong trả lương, trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc có thể giúp thu hẹp khoảng cách về lương theo giới, dẫn đến bình đẳng giới ở nơi làm việc. Khi doanh nhân nữ thành công, họ có thể tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới.
    Thế giới có thể chứng kiến GDP tăng 20% qua việc thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm.

    3. Thời gian: Tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

    Mọi người đều cần được chăm sóc trong cuộc đời. Tổ chức chăm sóc xã hội hiện tại phản ánh sự bất bình đẳng sâu sắc về địa vị và quyền lực và thường bóc lột sức lao động của phụ nữ và trẻ em gái. Trung bình, phụ nữ dành thời gian, nhiều gấp ba lần so với nam giới, cho công việc chăm sóc và nội trợ không được trả lương.

    Sự chênh lệch giới tính trong công việc chăm sóc không được trả lương là nguyên nhân sâu sắc dẫn đến bất bình đẳng, hạn chế thời gian và cơ hội học tập, công việc được trả lương xứng đáng, cuộc sống công cộng, nghỉ ngơi và giải trí của phụ nữ và trẻ em gái.

    Công việc chăm sóc vẫn bị đánh giá thấp và bị trả lương thấp. Hàng năm, giá trị tiền tệ của công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trên toàn cầu qui đổi ít nhất là 10,8 nghìn tỷ USD, gấp ba lần quy mô của ngành công nghệ thế giới.

    Đầu tư để chuyển đổi hệ thống chăm sóc là một lợi ích tăng ba lần: việc đầu tư cho phép phụ nữ lấy lại thời gian của mình đồng thời tạo việc làm trong lĩnh vực chăm sóc và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc đến những người cần chúng.

    Người ta ước tính rằng việc thu hẹp khoảng cách hiện có trong các dịch vụ chăm sóc và mở rộng các chương trình việc làm bền vững sẽ tạo ra gần 300 triệu việc làm vào năm 2035.

    4. Đòi hỏi sự an toàn

    Phụ nữ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đối với sự an ninh của mình, bao gồm bạo lực trên cơ sở giới, xung đột, mất an ninh lương thực và thiếu bảo trợ xã hội. Bạo lực tại nhà hoặc nơi làm việc là vi phạm quyền của phụ nữ và cản trở sự tham gia kinh tế của họ.

    Thiệt hại toàn cầu do bạo lực đối với phụ nữ ước tính ít nhất là 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

    Có tới 614 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vào năm 2022, cao hơn 50% so với con số ghi nhận năm 2017. Những cuộc khủng hoảng như vậy có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch kinh tế vốn đã tồn tại từ trước, chẳng hạn như tỷ lệ phụ nữ phải làm công việc chăm sóc không được trả lương không cân xứng. Khủng hoảng cũng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa phụ nữ; ví dụ, phụ nữ di dân có nguy cơ bị bạo lực cao gấp đôi so với phụ nữ bản xứ.

    Nghiên cứu đề xuất các hệ thống bảo trợ xã hội ứng phó về giới tính, như việc chuyển tiền, có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ, minh chứng mối tương quan giữa trao quyền kinh tế và an ninh.

    Bất kể dưới hình thức nào, sự không an toàn đều cản trở việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, khiến họ rơi vào cảnh nghèo đói và ngăn cản họ nhận ra các quyền và tiềm năng của mình. Điều quan trọng là phải tập hợp các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả khu vực tư nhân, và cảnh báo các chuẩn mực xã hội coi phụ nữ là chủ thể kinh tế thấp kém hơn nam giới.

    5. Bảo vệ quyền lợi

    Nhân quyền là cốt lõi của việc trao quyền kinh tế cho người nữ. Các hệ thống kinh tế gia trưởng, bất công tiếp tục duy trì tình trạng bất bình đẳng giới và các chuẩn mực xã hội mang tính phân biệt đối xử đang cản trở việc tiếp cận thông tin, mạng lưới, công việc và tài sản của phụ nữ.
    Trên toàn cầu, trung bình, phụ nữ chỉ có 64% các quyền hợp pháp mà nam giới được hưởng. Các chiến lược chính nhằm cổ võ quyền của phụ nữ trong bối cảnh trao quyền kinh tế bao gồm việc áp dụng các luật và chính sách hỗ trợ trao quyền kinh tế cho phụ nữ và bãi bỏ các luật và khuôn khổ pháp lý mang tính phân biệt đối xử.

    Trong khi thừa nhận giá trị nội tại của việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, trong đó cốt lõi là nhân quyền, điều quan trọng là phải tính đến những chi phí khổng lồ do những hạn chế đối với việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ đối với xã hội và nền kinh tế.

    Cần có sự bảo vệ và hỗ trợ cho những người bảo vệ nhân quyền của phụ nữ cũng như trách nhiệm giải trình đối với các hành vi vi phạm nhân quyền. Điều này đòi hỏi phải ghi lại các hành vi vi phạm quyền của phụ nữ, thu thập dữ liệu phân tách theo giới tính và phát triển quan hệ đối tác cho các chương trình vận động chung.

    Cần xây dựng và thực hiện các cơ chế giải trình trách nhiệm để bảo vệ quyền của phụ nữ và đảm bảo rằng tiếng nói của họ được mở rộng trong mọi lĩnh vực ra quyết định.

    Nguồn: https://news.un.org/en/story/2024/03/1147357

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan