Không Còn Thời Gian Cho Bất Đồng Về Việc Mất Đa Dạng Sinh Học

  • Thứ sáu, 08:49 Ngày 29/12/2023
  • Tác giả: Federico Citterich

    Là một phần của nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu của trường Đại học College London đã phát hiện các quần thể sinh vật có thể bị suy giảm đột ngột thay vì giảm dần, dẫn đến việc chúng ta có rất ít thời gian để ứng phó.

    Khi các cuộc đàm phán tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP28 ở Dubai kết thúc với “Sự đồng thuận của UAE”, có những tiếng nói tương phản, nhằm chỉ trích hoặc hoan nghênh, về các tuyên bố nêu trong thỏa thuận không ràng buộc về “sự chuyển đổi toàn cầu khỏi năng lượng hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, trật tự và công minh”.

    Sự đồng thuận kêu gọi việc tăng tốc hành động “trong thập kỷ quan trọng này, đạt được mức 0 ròng vào năm 2050 theo các khuyến nghị khoa học,” nhưng nhiều chuyên gia bổ sung rằng cam kết hiện tại của các quốc gia là không đủ để ngăn chặn tình trạng khẩn cấp.

    Đức Thánh Cha Phanxicô, vì lý do sức khỏe đã không thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc, Ngài đã công bố Tông huấn Laudate Deum trước sự kiện và lưu ý rằng kể từ khi phát hành Laudato sì vào năm 2015, các nguyên tắc quan trọng, đã được đồng thuận tại Hội nghị COP15, chưa được thực hiện và các lợi ích quốc gia thường được đặt lên trên lợi ích chung.

    Do vậy, Laudate Deum là một lời kêu gọi khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, nhận thức rằng thời gian không còn nhiều, và những thiệt hại là không thể khắc phục được do hoạt động của con người gây ra.

    Phù hợp với nhận thức này và dù rằng có sự nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu cần thiết phải ra quyết định trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học College London (UCL) đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có nhiều hành động khẩn cấp hơn.

    Sự đa dạng sinh học bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta

    Các quần thể loài có thể suy giảm đột ngột

    Nhóm nghiên cứu, có báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, đã dùng các dự báo về khí hậu nhằm so sánh nhiệt độ hiện tại và tương lai của các khu vực cụ thể trên thế giới để đánh giá liệu một tập hợp hơn 35.000 loài có thể gặp phải điều kiện sống khắc nghiệt hay không.
    Họ phát hiện ra rằng khu vực phạm vi địa lý trở nên không thích hợp cho các sinh vật cụ thể có khả năng bị tăng đột ngột - thay vì tăng dần - trong tương lai.
    Ban đầu, hầu hết quần thể có vẻ sống an toàn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ, các khu vực rộng lớn trong phạm vi địa lý của các quần thể loài này sẽ đột nhiên trở nên không thích hợp.

     “Và một thập kỷ là một khoảng thời gian cực kỳ ngắn”, Alex Pigot, tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh: “Rất nhiều quần thể sinh vật đang tồn tại hàng triệu năm trên hành tinh và do đó chúng ta đang phải đối diện với những thay đổi cực kỳ nhanh chóng”.
    Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể khiến quần thể sinh vật bị suy giảm đột ngột, thay vì giảm một cách đều đặn khi môi trường khí hậu thay đổi.

    Alex Pigot, nhà khoa học và tác giả của nghiên cứu UCL

    Không còn thời gian để ứng phó

    Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ trên thế giới đã ấm lên khoảng 1,2°C và tác động của sự ấm lên này đối với các hệ sinh thái trên khắp thế giới đã rõ ràng.
    “Nhiều sinh vật đang chết dần ở những khu vực nóng nhất trong phạm vi phân bố địa lý của chúng, trong khi đó nhiều sinh vật khác đang phân tán và di chuyển đến những khu vực lạnh hơn, khi theo dõi các khuynh hướng điều kiện thích nghi của chúng”, Pigot giải thích: “Chúng tôi cũng đang quan sát những thay đổi về hành vi, do các sinh vật đang thay đổi qua thời gian khi chúng trải qua các điều kiện sống quan trọng trong vòng đời của mình”.

    Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng toàn cầu của nhiều loài sinh vật khác nhau.
    “Loài cóc vàng sống tại Costa Rica được ghi nhận lần cuối vào năm 1989 sau khi quần thể này bị sụt giảm do một loạt hạn hán trong khu vực”, Pigot cho biết: “Nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ tiềm năng”.

    Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cho rằng, khi khí hậu ấm lên, số lượng các quần thể loài bị đe dọa sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không phải theo đường thẳng.
    “Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nhiệt độ tăng thêm 2°C, chúng ta sẽ có nguy cơ mất đi hơn 20% số quần thể loài trên hành tinh”, Pigot cảnh báo.

    Kết hợp những yếu tố này với kết quả thu được mà Pigot và đồng nghiệp nghiên cứu sẽ làm nêu bật một kịch bản đáng lo ngại. Pigot cho biết: “Chúng tôi chưa chuẩn bị cho những thay đổi đang diễn ra và những thay đổi sắp xảy ra”. “Thực tế là những thay đổi này đang và sẽ xảy ra đột ngột là một thách đố hơn nữa vì nó khiến chúng tôi có rất ít thời gian để nghiên cứu và ứng phó với những tình huống này”.

    Chim ruồi ngực xám ở dãy núi Escalera, Peru

    Ví dụ hiện nay: hiện tượng san hô bị mất màu tự nhiên

    “Ý tưởng cho rằng các phản ứng và tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học sắp diễn ra đột ngột, như mô hình chúng tôi gợi ý, là không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì chúng ta thường thấy những thay đổi đột ngột này trong các hệ sinh thái hiện đại” Pigot nói thêm.

    Các nhà nghiên cứu đề xuất một ví dụ là hiện tượng các rạn san hô bị mất màu tự nhiên, xảy ra khi nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn khoảng 1°C so với nhiệt độ bề mặt tối đa trung bình tại các khu vực cụ thể đó.

    “Các đây vài thập kỷ, những hiện tượng này rất hiếm và có thể xác định tại địa phương”, Pigot giải thích: “Tuy nhiên, chỉ trong vòng 20 năm, các hiện tượng san hô bị mất màu tự nhiên hàng loạt đã được ghi nhận trên khắp các đại dương, xảy ra vài năm một lần nếu không muốn nói là hàng năm”.

    Theo các nhà khoa học, khoảng 70% các rạn san hô trên thế giới sẽ bị suy giảm do biến đổi khí hậu khi nhiệt độ nóng lên đạt 1,5°C và tỷ lệ này sẽ tăng lên đến 99% nếu mức nóng lên đạt 2°C.

    “Tôi nghĩ rằng điều cấp bách là chúng ta phải theo dõi những thay đổi này”, Pigot cho biết: “Giống như con người chúng ta theo dõi sức khỏe của mình, chúng ta cần theo dõi sức khỏe của các đại dương để xem tình trạng hành tinh của chúng ta và hành tinh chúng ta sống đang thay đổi như thế nào”.

    Rạn san hô Great Barrier tại Úc

    Định hướng tương lai

    Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng họ cũng có thể sử dụng thông tin này để phát triển các chiến lược quản lý và bảo tồn tốt hơn nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học một cách hợp lý hơn.

    “Một số rạn san hô đang sinh sống tốt hơn những rạn san hô khác và ít bị mất màu tự nhiên hoặc chết hơn”, Pigot nhấn mạnh: “Điều thực sự quan trọng là chúng tôi phải xác định được đặc điểm của những địa điểm xảy ra trường hợp này để có thể cố gắng nhân rộng chúng ở các khu vực khác nhau”.

    Các nhà khoa học cho rằng các rạn san hô còn bị ảnh hưởng bởi các áp lực khác - chẳng hạn như đánh bắt cá hoặc nước thải phân bón nông nghiệp - gây tổn hại cụ thể là các hiện tượng bị mất màu tự nhiên.

    Pigot cho biết thêm: “Việc giảm thiểu những mối đe dọa khác này sẽ tăng cường khả năng phục hồi của các rạn san hô trước biến đổi khí hậu”.
    Tuy nhiên, theo đề xuất của các nhà nghiên cứu, việc giảm những áp lực khác này là chưa đủ. Pigot giải thích: “Thực sự không có giải pháp thay thế nào ngoài việc cắt giảm nhanh chóng và lâu dài lượng khí thải nhà kính nếu chúng ta muốn cứu những hệ sinh thái này”.

    Các rạn san hô không phải là trường hợp duy nhất được ghi nhận sự mất đa dạng sinh học đột ngột. Một ví dụ khác là loài cáo bay bốn mắt, một loài dơi ăn quả sống ở vùng Queensland phía đông bắc nước Úc.

    “Năm 2018, Queensland đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng rất dữ dội với nhiệt độ trên 42°C”. “Những đợt nắng nóng này đã giết chết một phần ba toàn bộ quần thể cáo bay bốn mắt – hơn 25.000 cá thể – chỉ trong một ngày”, Pigot cho biết.

    Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng chính sự thay đổi đột ngột đã ngăn cản khả năng thích ứng của các sinh vật.
    Do đó, để giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học hiện nay trước nguy cơ suy giảm đột ngột của các quần thể loài, các nhà nghiên cứu kêu gọi xây dựng các hệ thống cảnh báo và dự báo tiên tiến.

    “Điều chúng tôi thực sự cần là những dự đoán về cách các sinh vật sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong tương lai để chúng tôi có thể dự báo khi nào những sự suy giảm đột ngột này có thể xảy ra”, Pigot giải thích.

    Ngoài ra, các nhà khoa học đề xuất rằng chúng ta cần phải bảo vệ thiên nhiên hơn nữa. Pigot nói: “Chúng ta cần làm những gì chúng ta đang làm bây giờ, nhưng chúng ta cần phải làm nó nhiều hơn và tốt hơn”. “Chúng ta cần bảo vệ những khu vực rộng lớn hơn có hệ sinh thái nguyên vẹn vì điều này sẽ giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khóa lượng carbon dioxide được lưu trữ ở đó và sẽ mang lại cho các sinh vật khả năng thích nghi, di chuyển đến những địa điểm lạnh hơn và có quy mô quần thể lớn hơn”.

    Một loài voi Sumatra cực kỳ nguy cấp và con của nó

    Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học

    “Thế giới hiện đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn là biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học”. “Những điều này vốn có mối liên kết với nhau và ở một mức độ nào đó được thúc đẩy bởi cùng các quá trình, chẳng hạn như thay đổi cách sử dụng đất và nạn phá rừng”, Pigot nhấn mạnh.

    Các nhà nghiên cứu giải thích rằng thay đổi cách sử dụng đất và nạn phá rừng là các nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu - chịu trách nhiệm cho khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính - nhưng cũng là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học trong lịch sử.

    Các nhà khoa học cũng cho rằng tác động của biến đổi khí hậu đến sự mất đa dạng sinh học sẽ còn gia tăng trong tương lai.
    “Khi chúng ta làm hành tinh nóng lên, chúng ta sẽ ngày càng mất đi nhiều quần thể loài”. “Chúng tôi nghĩ rằng trong suốt thế kỷ này, biến đổi khí hậu sẽ trở thành nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học”, Pigot lập luận.

    Và mặc dù khí hậu đã thay đổi nhiều lần trong quá khứ, nhưng tốc độ tiến triển của nó hiện nay mới là điều đáng lo ngại. Pigot cho biết: “Mức nóng lên 1,2 °C nghe có vẻ không nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại, chúng ta sẽ phải đối mặt với mức nóng lên 2,5-3 °C vào cuối thế kỷ này”.

    Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng lần cuối cùng chúng ta trải qua nhiệt độ tương tự là khoảng 3 triệu năm trước.
    “Về cơ bản, chúng tôi đang tua lại 3 triệu năm lịch sử Trái đất trong vài thập kỷ tới”. “Đó là một tốc độ thay đổi cực kỳ nhanh chóng, một tốc độ thay đổi mà các sinh vật chưa phải đương đầu với và chưa sẵn sàng”, Pigot giải thích.

    “Hơn nữa, 8 triệu quần thể loài sinh sống trên hành tinh này cũng đang sống cùng với khoảng 8 tỷ người”, Pigot nhấn mạnh. “Chúng ta đã chuyển đổi nhiều vùng môi trường sống rộng lớn để làm nông nghiệp và cho các thành phố của mình, và việc mất môi trường sống này là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học”.

    Theo các nhà khoa học, mất môi trường sống sẽ khiến các quần thể loài không thể thích nghi trong tương lai.
    Pigot cho biết: “Ở những nơi mà lẽ ra các quần thể loài có thể chuyển vùng phân bố của chúng sang nhiệt độ lạnh hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, thì điều này giờ đây sẽ không thể thực hiện được vì đã có con đường hoặc cánh đồng nông nghiệp cản đường”.

    Ông kết luận: “Chúng ta luôn phải nhớ rằng đa dạng sinh học mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội loài người”. “Mất đi những hệ thống đa dạng này chắc chắn đồng nghĩa với việc mất đi những lợi ích này”.

    Hoa Frailejon ở Paramao del Almorzadero, Colombia

    Nguồn : https://www.vaticannews.va/en/world/news/2023-12/biodiversity-loss-climate-change-cop-28-dubai-interview-pigot.html

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam
     

    Bài viết liên quan